Đừng để Di Lặc buồn

Người ta gọi tên dì Năm, vì người đàn bà tới chùa vào ngày thứ Năm.

Người con trai trạc tuổi hai mươi lau nước mắt và nói với Sư cô “Cho con gởi má ở đây. Con về thành phố làm ăn kiếm được chỗ ở tử tế sẽ đón má về”. Rồi quay qua dì Năm, người con trai chỉ tay tới tượng Phật Di Lặc giữa sân chùa “Má yên tâm, con lúc nào cũng cười vui như vầy, má đừng lo gì nghe”.


Tôi hồi đó mười bảy tuổi, lần đầu tiên gặp dì Năm là ngày rằm tháng Tám

Chùa tổ chức đêm Trung thu cho trẻ em mồ côi, ngoài mỗi phần quà là bánh nướng bánh dẻo và lồng đèn, bọn nhỏ còn được tham gia biểu diễn văn nghệ. Bọn nhỏ đứa nào cũng thích được lên sân khấu cho nên chương trình văn nghệ lộn tùng phèo.

Đang giới thiệu tiết mục đơn ca thì bỗng thấy cả chục đứa rồng rắn chạy lên. Thì ra thấy một đứa hớn hở đi lên sân khấu mà trời bỗng ì ùm muốn mưa, lỡ tới phiên mình mưa đổ ào xuống khán giả chạy hết thì lấy ai coi mình diễn? Kéo nhau đi sân khấu khi trời chưa mưa cho chắc ăn!

Vậy thì cho màn hợp ca diễn trước luôn. Ờ, cũng hay, lỡ mà trời mưa trúng màn đơn ca thì che dù cho một ca sĩ trên sân khấu dễ hơn là che dù cho cả hàng chục đứa!

Khi đang tập thì đứa nào cũng thuộc, nhưng trên sân khấu hơi hồi hộp nên quên trước quên sau. Tôi lãnh nhiệm vụ cầm sẵn mic canh chừng dàn hợp ca đang hát thật to mà bỗng nhỏ dần rời rạc là tôi vọt miệng ca vang, coi như… hát bè. Khán giả bên dưới phần đông là Phật tử của chùa, còn lại là mấy bà mấy cô buôn bán vỉa hè thân quen với các ca sĩ nhí trên sân khấu cho nên tiết mục nào cũng vỗ tay rộn ràng bất kể đơn ca mà phần bè của tôi lấn luôn phần hát chính!

Suốt chương trình văn nghệ hát hò về trăng rằm và bánh kẹo, kết thúc là bài hát về lòng mẹ. Tôi chọn bài hát này với ý muốn thay lời cảm ơn Sư cô đã rộng lòng với các em không chỉ trong đêm Trung thu này mà trong tất cả những dịp có thể Sư cô đều sắp xếp làm gì đó để cho các em được thêm một lần vui.

Từ trong cánh gà thò đầu ra nhìn xuống tìm xem Sư cô đang ngồi ở đâu, tôi thấy người đàn bà bên cạnh Sư cô đang kéo vạt áo lau nước mắt. Ngay lúc đó, tôi chỉ nghĩ là có lẽ bài hát như một giấc mơ đẹp được bọn nhỏ hát hồn nhiên quá khiến người nghe xúc động. Cho tới khi nghe má tôi nói đó là người đàn bà tâm thần mà đứa con trai đem gởi chùa.

Tuổi mười bảy, tôi thắc mắc bị tâm thần sao hiểu được bài hát này mà chảy nước mắt?

Lần nào tới chùa tôi cũng thấy dì Năm đứng trước tượng Phật Di Lặc, miệng dì nhoẻn cười hết cỡ, tay cầm cái gương.

Ban đầu tôi tưởng dì có tính xí xọn, nhưng không thấy dì chớp mắt vuốt tóc điệu đàng…

Tôi đang quét sân, dì Năm lúc thúc chạy tới đưa tay nâng cằm tôi lên sao cho khuôn mặt tôi đối diện với khuôn mặt của dì (để nhìn cho rõ!), rồi dì nhoẻn cười hết cỡ, ngón tay trỏ chỉ về phía tượng Phật Di Lặc.

Mấy lần như vậy thì tôi hiểu ra dì bắt chước nụ cười của Phật Di Lặc và muốn hỏi tôi dì cười như vậy đã giống chưa.

Tôi gật đầu. Dì Năm thích thú lắm, lại giơ cao cái gương soi và cười híp mắt.

Tôi học đại học ở thành phố, mỗi năm có hai dịp về thăm nhà là mùa hè và Tết. Tôi qua chùa chào Sư cô, dì Năm nhìn tôi, khuôn mặt ngô nghê hiện vẻ ngờ ngợ đã gặp tôi rồi.

– Đây là bé Hạnh – Sư cô nói với dì Năm – Hồi trước bé Hạnh còn ở nhà với ba má thường hay tới chùa mình làm công quả, dì Năm nhớ ra chưa?

Dì Năm gục gà gục gặc cái đầu ra ý đã hiểu. Sư cô nói thêm:

– Bây giờ bé Hạnh đi học xa lắm, tận thành phố, hôm nay về thăm nhà, thăm ba má rồi qua chùa thăm Sư cô với dì Năm nè.

Dì Năm lại gục gặc đầu. Chợt có đoàn người đi qua cổng, dì Năm ngay lập tức bỏ qua sự có mặt đầy gợi nhắc của tôi, dì vội nhét cái gương nãy giờ cầm trên tay vô túi áo rồi chạy tới bàn ngửa mấy cái ly ra và rót đầy tất cả các ly.

– Dì Năm giỏi quá – Sư cô nhẹ nhàng – Nhưng mà lần sau dì Năm đợi mọi người ngồi vô bàn rồi mới rót nước mời uống nghe.

Mỗi lần gặp lại tôi thấy dì Năm khác đi một tí. Khi thì tôi thấy tay dì không cầm cái gương soi nữa mà cả mười ngón tay cứ rờ rẫm và vuốt vuốt vạt áo tràng.

Má tôi giải thích:

– Dì Năm khoe bữa nay được mặc áo tràng mới đó con.

À, ra vậy. Tôi tấm tắc:

– Dì mặc áo đẹp ghê.

Dì Năm cười, mặt ửng hồng. So với khi bắt chước Phật Di Lặc cười, dì đã biết mắc cỡ rồi.

Lúc Sư cô và mọi người chuẩn bị tụng kinh thì dì Năm nhanh nhảu đi lấy mấy cái chiếu trải ra. Má nói:

– Dì Năm trải chiếu đã biết phân biệt mặt trái mặt phải.

Vậy, từng chút từng chút, dì Năm biết thêm tí này tí kia và rất sẵn lòng đem “kiến thức” của mình phục vụ mọi người. Với dì Năm thì ai cũng là người lần đầu tiên tới chùa. Dì tíu tít chỉ chỗ dựng xe dưới bóng mát của gốc cây, chỗ có vòi nước rửa mặt… Dì lăng xăng thắp bảy cây nhang và hướng dẫn người ta cắm bàn thờ nào trước bàn thờ nào tiếp theo. Sự nồng nhiệt hồn nhiên khiến vẻ mặt ngô nghê của dì trở nên dễ thương khiến ai cũng sẵn lòng làm theo ý của dì.

Tôi cũng vậy, tôi để yên cho dì sửa sang cách bàn tay tôi cầm nhang, rồi tôi cắm từng cây theo hướng dẫn của dì. Xong cây nhang cuối cùng, tôi chắp tay cảm ơn thì dì kêu lên:

– Đừng để Di Lặc buồn.

Ra là tôi chưa cắm nhang bàn thờ Phật Di Lặc, không biết do tôi vô ý cắm hai cây vô một cái lư hay là lần này dì Năm thắp thiếu một cây so với thường lệ.

Dì ra hiệu cho tôi hãy tới chỗ tượng Phật Di Lặc và đợi ở đó. Dì lấp xấp chạy đến chỗ để nhang, lấy một cây rồi chạy ra đưa cho tôi, giọng năn nỉ:

– Thắp cho Di Lặc đi cô, không thì Di Lặc buồn không chịu cười nữa.

Giọng năn nỉ của dì khiến lòng tôi rung động. Cầm cây nhang, tôi cầm luôn bàn tay dì, những ngón tay gầy móng nhỏ yếu ớt. Tôi muốn nói với dì một lời nhưng không biết nói gì. Tôi chợt hiểu những giọt nước mắt đêm văn nghệ năm nào. Giữa tâm thức mịt mờ, trái tim vẫn lóe lên mang máng nỗi nhớ thương…

Tôi lấy chồng, chuẩn bị lễ hằng thuận, má tôi may cho dì Năm cái áo dài mới. Dì thích lắm, cứ mân mê lớp vải lụa mát rượi bàn tay.

Suốt buổi lễ dì Năm nhấp nha nhấp nhỏm nhìn người này người kia, ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, rồi dì chăm chăm tới lẵng trái cây kết hình rồng phượng, dì không hay cười như mọi ngày mà có vẻ căng thẳng như không khí là lạ của buổi lễ đánh thức nơi dì điều gì đó.

Bữa tiệc chay, má tôi đưa dì tới chỗ ngồi và nói:

– Hôm nay dì Năm không phải làm gì hết, ngồi yên đây mà thưởng thức món ngon nghen.

Người đàn bà cùng bàn ngạc nhiên:

– Dì Năm hả? Chẳng lẽ có chị em sinh đôi cùng bị tâm thần sao?

Má tôi hỏi han người đàn bà và biết dì Năm hồi còn con gái dễ thương lắm. Không may dì lấy trúng ông chồng có tính rượu chè, mỗi khi có rượu vô thì đánh đập vợ dữ dội. Họ có hai người con trai, người em hiền lành như mẹ còn người anh cũng rượu chè như cha mình. Trong một cuộc say cự cãi giữa hai cha con, dì lãnh một cú giáng xuống đầu, sinh bịnh tâm thần từ đó.

Tôi theo chồng làm việc ở tỉnh khác, những cuộc điện thoại trò chuyện với má, nghe má kể sau ngày cuới tôi, chồng và người con trai lớn tới đón dì Năm về nhưng được vài ngày thì dì Năm trở lại chùa.

Ông xe ôm chở dì về chùa kể – Hỏi “Đi đâu”, trả lời “Chùa”. Hỏi “Chùa nào?”, trả lời “Di Lặc cười”. Ông xe ôm chịu thua, chở dì vòng vòng khắp các chùa, may gặp người quen biết dì ở chùa này nên chỉ tới đây.

Cứ đón về rồi trở lại như vậy mấy lần thì gia đình thôi, để tùy ý dì. Rồi thì họ cũng lui tới thăm dì và thắp nhang lễ Phật. Có lần người con dâu kể cha chồng và chồng bây giờ đã bớt rượu nhiều rồi, tới ngày rằm và mùng một còn biết ăn chay nữa.

Tôi thắc mắc là người con trai út sao không thấy quay lại? Má thở dài, thời buổi này làm ăn đâu dễ, người trẻ nào khi ra đi cũng quyết không thành công không trở về. Cả quyết quá cho nên đâm ra dễ lỡ bước sa chân, rồi thì…

Tôi biết là thời buổi này làm ăn không dễ, mong kiếm được một chỗ ở tử tế để đón má bị tâm thần về chăm sóc là một giấc mơ lớn. Nhưng tôi có lòng tin người biết tìm một ngôi chùa để gởi gắm mẹ mình thì không dễ lỡ bước sa chân.

Có lẽ anh đang phiêu bạt nơi xa lắm…

Cầu mong anh vẫn giữ được nụ cười…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *