Sáng ngày 4/9/2011 (nhằm ngày 7/8 năm Tân Mão) hàng ngàn Phật tử gần xa đã về tham dự tu niệm Phật một ngày được tổ chức theo định kỳ hàng tháng tại chùa Hoằng Pháp.
Sau bữa điểm tâm sáng là phần sinh hoạt nội quy cũng như lời khuyến tấn các Phật tử nên có ý thức giữ gìn sự trang nghiêm, thanh tịnh cho ngày tu, nhằm mang lại lợi ích cho mình và cho mọi người. Cũng trong ngày tu này, chùa Hoằng Pháp đã thực hiện chương trình Ánh sáng Phật pháp kỳ 31 với những câu hỏi về các phong tục và tín ngưỡng dân gian đối với người đã chết. Đây cũng là thắc mắc của nhiều Phật tử trong quá trình tu học và thực hành Phật pháp trong đời sống hằng ngày. Và trong chương trình kỳ này, dưới góc nhìn và quan điểm Phật giáo, Thượng tọa Thích Phước Nghiêm đã giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc ấy, nhằm giúp các Phật tử có cái nhìn thấu suốt hơn đối với vấn đề được nêu ra.
Sau chương trình Ánh sáng Phật pháp, các Phật tử đều hoan hỷ và rất mực thành tâm bước vào thời khóa công phu niệm Phật buổi sáng.
Buổi chiều, sau giờ nghỉ trưa, các Phật tử lại nhanh chóng vân tập về các khu vực giảng đường để tiếp tục giờ công phu niệm Phật.
Kết thúc ngày tu, trước khi ra về, mỗi Phật tử đều nhận được một VCD Phật pháp nhiệm mầu kỳ 30.
Nội dung câu hỏi chương trình Ánh sáng Phật pháp kỳ 31:
Câu 1: Kính bạch quý Thầy!
Tại Việt Nam chúng ta, đặc biệt là ở miền bắc, người dân mang nặng tập tục đốt vàng hóa mã cho người đã chết. Tìm hiểu kinh điển Phật giáo, biết rằng đức Phật chưa bao giờ dạy điều này, mà đây rõ ràng là tín ngưỡng dân gian. Việc đốt vàng hóa mã vừa lãng phí tiền của người sống và không ích lợi cho người chết. Trước vấn nạn này, kính xin quý thầy giải bày tường tận mặt tiêu cực, để qua đó giúp mọi người ý thức được việc làm của mình và áp dụng phương pháp nào để mang lại lợi lạc cho người sống lẫn người mất. Thành kính tri ân quý thầy
Câu 2: Kính bạch quý Thầy!
Vào ngày rằm tháng bảy, một số nơi ở miền trung có truyền thống cúng tế tổ tiên ông bà với mục đích xá tội vong nhân. Việc làm này mới nghe những tưởng có hiếu đạo đối với tổ tiên ông bà quá vãng, trên thực tế để cúng tế tổ tiên con cháu trong dòng họ phải giết heo, gà, vịt… Việc giết các con vật với mục đích cúng tế cầu nguyện cho người chết được siêu thoát là điều hết sức phi lý và đi ngược lại với luật nhân quả. Đối với tập tục này, kính xin quý thầy giảng giải về luật nhân quả và nêu lên quả báo của việc sát sinh đối với người sống và ảnh hưởng của nó đối với người chết. Kính chúc quý thầy sức khỏe, an lạc.
Câu 3: Kính bạch quý Thầy!
Con có một thắc mắc đã lâu không biết hỏi ai, nay con đặt câu hỏi kính xin quý thầy giải đáp giúp con. Theo con được biết, vấn đề mai táng người chết ở một số quốc gia có sự khác biệt như: Tại Tây tạng người chết được lóc thịt cho kên kên ăn và đó gọi là điểu táng; ở Ấn Độ mai táng người chết chủ yếu bằng 2 cách, thứ nhất là thiêu xác người chết tại các bờ sông sau đó lùa tất cả xuống sông cho nước cuốn trôi đi; thứ hai là bỏ xác người chết xuống sông mà không cần trải qua giai đoạn thiêu đốt. Tại nhiều nước phương Tây và một số nước tiên tiến ở châu Á cách táng người chết là cho xác chết vào lò hỏa thiêu; riêng ở Việt Nam chúng ta chủ yếu táng người chết bằng cách chôn xuống đất, sau đó làm mồ, có nơi làm mồ rất lớn, một số địa phương có tập tục sau 3 năm bốc mồ lấy cốt đem chôn nơi khác. Phương pháp mai táng nào là đúng theo lời Phật dạy? Táng cách nào để người sống lẫn người chết được lợi lạc? Con kính tri ân quý Thầy!
- Một lần hộ niệm vãng sanh
- Chùa Hoằng Pháp – Lễ khai mạc tuần lễ triển lãm ảnh, thư pháp và các tác phẩm văn hoá Phật giáo chủ đề “Thanh Lương”
- ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM THÀNH DỰ LỄ ĐẶT ĐÁ CHÙA ĐĂNG PHÁP TẠI BÌNH PHƯỚC
- Chùa Hoằng Pháp tổ chức phóng sinh
- LỄ KỲ SIÊU, TƯỞNG NIỆM ANH HÙNG LIỆT SỸ TẠI NGHĨA TRANG PHƯỜNG NGHI HÒA – TX.CỬA LÒ