Hoài niệm về Ân Sư

0
523

Hoài niệm về Ân Sư

Vào năm 2016, lúc ấy một số thầy và huynh đệ chùa Hoằng Pháp ra sân bay tiễn thầy Tâm Như qua lại bên Nhật Bản để học sau thời gian thầy từ bên đó về thăm Việt Nam (thầy đi du học đầu năm 2015). Khi quý thầy ngồi ở nhà chờ của sân bay, có một gia đình nọ cũng đang tiễn đứa con trai khoảng mười tám tuổi sang Mỹ du học. Người mẹ nhận ra thầy Tâm Đạo, lúc ấy là Phó Trụ trì chùa Hoằng Pháp, thế là người mẹ đến bắt chuyện với quý thầy:

  • Dạ A Di Đà Phật! Chào quý thầy! Con pháp danh là Liên Hương, con quy y ở chùa Hoằng Pháp, con biết thầy Tâm Đạo. Bạch trên quý thầy! Hôm nay quý thầy đi nước ngoài ạ?
  • A Di Đà Phật! Thưa cô, quý thầy đi tiễn một thầy qua lại Nhật Bản du học.
  • Dạ! Bạch trên quý thầy! Hôm nay con cũng đưa đứa con trai của con sang Mỹ du học và định cư. Dạ bạch trên quý thầy, nó đây ạ! Cháu nó mơ ước được đến chùa Hoằng Pháp để đảnh lễ Sư phụ Thích Chân Tính lắm mà chưa đủ duyên, vì ngày còn nhỏ cháu nó hay nghe cái đĩa “Phật Pháp Cứu Đời Tôi” của Sư phụ rồi mới chịu đi ngủ. Nếu bữa nào con quên mở là cháu nó nhắc! Cháu nó còn phát nguyện giữ trọn vẹn năm giới như lời Sư phụ dạy nữa, cho nên từ trước đến giờ không có thuốc lá, rượu bia hay bậy bạ gì hết!
  • A Di Đà Phật! Quý hóa quá!
  • Dạ A Di Đà Phật! Hôm nay gia đình chúng con thật có phước duyên mới được gặp và đảnh lễ quý thầy chùa Hoằng Pháp. Con xin phép được cúng dường tiền nước cho quý thầy!

Rồi cô Liên Hương này đã cúng dường hết phần nước cho quý thầy hôm đó tại sân bay. Từ buổi gặp gỡ đến nay, chúng con không gặp lại cô. Có lẽ, cô cũng đã sang Mỹ với con trai của mình không chừng.

Tương tư, chúng con biết đến chùa Hoằng Pháp là vào năm 2013, ấn tượng bởi đĩa DVD “Tầm Cầu Hạnh Phúc” do Sư phụ giảng. Phải nói rằng, lúc đó băng đĩa và kinh sách của chùa Hoằng Pháp hầu như đều có mặt tại các quầy văn hóa phẩm Phật giáo các chùa và tư nhân. Đĩa giảng mà chúng con vừa đề cập là được người chủ tiệm cơm chay tặng. Vào những năm đó (2013 – 2015), chùa Hoằng Pháp còn thịnh hành đĩa gì quý vị biết không? Xin thưa, là đĩa ca nhạc “Diệu Âm Hoằng Pháp” và bộ phim “Con Đường Giác Ngộ” kể về cuộc đời đức Phật và chư Thánh đệ tử.

Như những lời vừa kể, chúng ta thấy sự lan tỏa Phật pháp của chùa Hoằng Pháp thật là lợi ích và thiết thực. Người con trai của cô Phật tử Liên Hương có duyên nghe được VCD “Phật Pháp Cứu Đời Tôi” nên phát khởi tâm thiện giữ năm giới đã thọ của người Phật tử dù tuổi còn nhỏ. Chúng con bén duyên với chùa Hoằng Pháp vào năm mười tám tuổi cũng nhờ đĩa giảng “Tầm Cầu Hạnh Phúc” của Sư phụ. Thêm một điều nữa, thời đó quý Phật tử đi chùa tuy đã có mặc đồ lam nhưng vẫn chưa nhiều như hiện nay. Tại các chùa, quý vị đến tụng kinh còn mặc đồ đời và tròng áo tràng bên ngoài. Tuy nhiên, khi chúng con lần đầu đến chùa Hoằng Pháp, nhìn thấy ai ai cũng mặc đồ lam, đồ chùa, tự dưng lòng sinh một niềm hoan hỷ lạ! Thế là liền chạy qua phòng pháp phục của chùa mua một bộ đồ lam và một áo tràng lam Phật tử. Nhưng vì chúng con không mang theo nhiều tiền nên chỉ có khả năng mua được một đồ bộ. Áo tràng thì chúng con ra bên ngoài mua loại áo hai vạt loại rẻ. Khi ấy có xách theo ba lô, thế là chúng con vào nhà vệ sinh thay liền bộ đồ lam và mặc áo tràng, đúng lúc thời công phu sáu giờ tối. Không biết phải diễn tả thế nào, nhưng đó là một cảm giác mà trước đó chưa từng có, hạnh phúc nhẹ nhàng, thơ thới lắm.

Nói về các tác phẩm do Sư phụ viết, thì quyển sách của Sư phụ mà chúng con được cầm trên tay đầu tiên đó là quyển “Lời Hoa” bìa màu xanh khổ đứng, xuất bản lần đầu năm 2014 cho dịp Vesak quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức. Thật sự đập vào mắt chúng con là một quyển sách rất hay với những câu nói, câu thơ do Sư phụ sáng tác, nhằm khuyến khích người ta sống thiện, sống đúng và chỉ lối tu hành. Chúng con còn nhớ, hồi đó ấn tượng với một số câu như:

“Tu là tù, nhưng tù không phải là tu”.

“Tu càng lâu, ngã càng cao, đạo càng xa, đọa càng nặng”.

“Nhập thế nhưng không đắm thế. Xuất thế nhưng không bỏ thế”.

Hay như:

“Ngày xưa chư Tổ tu hành

Bớt ăn bớt ngủ tăng phần công phu

Bây giờ ta cũng người tu

Thêm ăn thêm ngủ, công phu thêm lười”.

….

“Ai yêu ai ghét mặc ai

Tình thương ta cứ trải dài muôn nơi

Điểm tô hương sắc cho đời

Để cây hạnh phúc của người nở hoa”.

….

“Bước chân vào đến cổng chùa rồi

Bao nhiêu toan tính thảy buông lơi

Để tâm thanh tịnh thân thư thái

Gương mặt tươi vui miệng mỉm cười”.

Sau này khi đã xuất gia tại chùa Hoằng Pháp, chúng con có duyên cùng quý huynh đệ phụ bên mảng làm sách cho Sư phụ cũng vài năm. Vì làm sách nên hầu như tất cả đầu sách trước của Sư phụ đều đọc để có thể nắm bắt được lời văn, cách hành văn của Sư phụ. Buổi ngày thì chúng con phụ nhà bếp, chiều đi học lớp Sơ cấp Phật học Tân Bình, buổi tối sau thời công phu là ngồi làm sách. Cứ như vậy mà năm tháng trôi qua.

Giỗ Tổ năm nay 2022, rốt cuộc thì những bộ sách của Sư phụ gần như được hoàn thành tất cả. Từ những bài nói chuyện buổi sáng sau giờ dùng cơm trai đường, chắt lọc và tổng hợp thành bộ “Sữa Pháp Ban Mai” (trọn bộ 16 cuốn). Những bài pháp thoại trong các khóa tu niệm Phật một ngày, lễ sám hối, Phật thất hay các bài giảng khi Người đi Phật sự khắp nơi, được tổng hợp thành bộ “Pháp Vị” (trọn bộ 10 cuốn). Các đầu sách cũ như “Bằng Tất Cả Tấm Lòng” (thập niên 90), “Chuyện Bình Thường” (thập niên 80) hay “Lược Truyện Đức Phật Thích Ca” (thập niên 90), “Tôn Giáo Học So Sánh” (thập niên 90),… đều được tái bản với bìa mới đẹp và bắt mắt.

Thấm thoát mà đã qua hơn ba mươi ba năm Sư phụ trụ trì chùa Hoằng Pháp (từ năm 1988). Năm nay Sư phụ tuyên bố “mãn nhiệm” và truyền trao trọng trách cho thầy Tâm Trường, để Người có thời gian tịnh dưỡng và công phu hành trì tu tập nhiều hơn nữa.

Chúng con cảm niệm trên ân đức của Sư pụ đối với hàng đệ tử chúng con. Với gần năm mươi tự viện, cơ sở trực thuộc và gần hai trăm Tăng chúng đệ tử, đệ tôn thì quả thật phước – trí của Người quá lớn. Chúng con dù còn ở bên Người hay đã ra ngoài chốn tổ để thừa hành Phật sự các nơi, thì vẫn mang tâm nguyện “Thượng cầu, hạ hóa” như lời Người thường nhắc nhở. Ngưỡng nguyện hồng ân Tam Bảo thùy từ gia hộ cho Người luôn đầy đủ ba pháp như nguyện của Người:

“Tâm nguyện, trí tuệ và sức khỏe là nguồn năng lượng quý giá cần thiết để thành tựu sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh”

Tâm Cung

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây