Áp lực trong công việc

0
1715

Thưa quý thầy con là một sinh viên mới ra trường, hiện tại đang công tác cho một công ty nước ngoài. Lúc chưa tốt nghiệp đại học con cứ nghĩ rằng việc làm sẽ đơn giản. Nhưng kể từ khi tốt nghiệp ra trường, bước vào môi trường làm việc con mới thực sự cảm nhận tính cạnh tranh trong từng bộ phận để tạo chỗ thế đứng rất cao.Đôi khi áp lực công việc quá lớn làm cho con bị stress rất nặng, con cảm thấy bất an, mất tự tin, và cảm thấy bất lực muốn từ bỏ công việc. Xin quý thầy hãy cho con một lời khuyên để con có thể tiếp tục nuôi lớn ước mơ hoài bảo của mình. Nhất là tạo được thế cân bằng trong cuộc sống? 

Bạn Hoàng Ngọc Thương – TP. Hồ Chí Minh.
* * *
Bị áp lực trong công việc là một trong nỗi ám ảnh bức xúc của con người sống trong thế giới công nghệ ngày nay. Có thể nói rằng tùy theo hoàn cảnh, môi trường, số lượng công việc mà mức độ áp lực trong công việc có sự khác nhau.
Theo các chuyên gia tâm lý có rất nhiều tình huống trong cuộc sống đẩy bạn rơi vào “áp lực”, như công việc nhiều, thời gian giải quyết gấp gáp, sức khỏe, tâm lý không tốt lại bị ngoại cảnh (gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ xã hội) chi phối … Bên cạnh đó, có những người không hiểu rõ khả năng của mình, không biết tiên lượng và từ chối, họ tham công tiếc việc, dồn hết sức để mong hoàn thành công việc nhưng lại không đạt được kết quả mỹ mãn, để rồi đến một lúc họ giống như quả bóng bơm quá căng sẽ bị nổ tung.
Trong mười điều tâm niệm Đức Phật có dạy: “Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy” hay “Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường” hoặc “Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thường kiêu ngạo”. Theo những lời dạy trên thì mọi thành công trên đời này đều có cái giá của nó. Không một thành công nào lại không đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt. Nếu mọi công việc cũng thành tựu một cách dễ dàng như chúng ta nghĩ thì e rằng cuộc sống này toàn trải bằng hoa hồng? Hơn nữa cuộc sống không có tính cạnh tranh thì con gì gọi là cuộc sống. Vì thế, Phan Bội Châu từng nói:
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
 Anh hùng hào kiệt có hơn ai”

Có câu chuyện kể về một cô gái trẻ nói với mẹ của mình rằng cuộc sống thật khó khăn. Cô không biết sẽ tiếp tục như thế nào. Cô muốn buông xuôi vì đã quá mệt mỏi khi mãi phải đấu tranh.
Mẹ cô gái sau khi nghe con nói bèn đưa cô vào bếp. Bà đổ đầy nước vào ba cái bình và đặt chúng lên trên ngọn lửa. Chẳng mấy chốc ba bình nước sôi. 
Trong chiếc bình đầu tiên, bà đặt vào những củ cà rốt, trong chiếc thứ hai bà đặt những quả trứng, và trong chiếc cuối cùng bà đặt những hột cà phê nghiền. Sau đó bà tiếp tục nấu sôi ba chiếc bình, và không nói một lời nào.
Khoảng 20 phút sau, bà tắt lửa. Bà vớt những củ cà rốt ra và đặt chúng vào một cái bát. Bà lấy những quả trứng ra và đặt vào một cái bát khác. Bà lại lấy muôi múc cà phê ra và đặt vào cái bát thứ ba. Quay sang cô con gái, bà hỏi:
– “Nào, con hãy nói cho mẹ biết, con nhìn thấy gì?”.
– “Dạ, cà rốt, trứng và cà phê”. Cô con gái trả lời rồi hỏi: “Mẹ, điều đó có nghĩa là gì?”.
Bà mẹ giải thích rằng mỗi một thứ trong đó đã gặp điều kiện khó khăn như nhau, đó là nước sôi. Mỗi thứ có phản ứng khác nhau. Cà rốt khi chưa bỏ vào nước thì cứng, rắn và dai. Tuy nhiên, sau khi bị bỏ vào nước sôi, nó mềm đi và trở nên yếu ớt.
Quả trứng vốn rất dễ vỡ. Lớp vỏ ngoài mỏng manh của nó đã bảo vệ lớp chất lỏng bên trong nó, nhưng sau khi được đặt vào trong nước sôi, phần bên trong quả trứng cứng lại.
Những hột cà phê nghiền thì khác. Sau khi bị bỏ vào nước sôi, chúng đã biến đổi nước. 
 “Con là gì?” – bà mẹ hỏi cô con gái. “Khi một hoàn cảnh bất lợi gõ cửa nhà con, con sẽ phản ứng thế nào? Con là củ cà rốt, quả trứng hay hột cà phê?”. 
Người mẹ giải thích tỉ mỉ cho cô con gái: “Con là củ cà rốt, dường như rất mạnh mẽ, nhưng khi bị đau và gặp hoàn cảnh bất lợi, con yếu mềm và mất đi sức mạnh?” 
Hay con là quả trứng bắt đầu với một trái tim mềm yếu nhưng qua khó khăn lại trở nên cứng rắn? Một số người dễ bị lung lay tinh thần, nhưng sau một cái chết, sự chia ly, những khó khăn về tài chính, họ trở nên cứng nhắc, mặc dù cái vỏ bên ngoài vẫn thế.
Hoặc có thể con giống cà phê. Cà phê thực sự làm thay đổi nước nóng, chính là thay đổi hoàn cảnh mang lại nỗi đau.
Khi nước bị nóng, cà phê tỏa ra hương vị của nó. Nếu con giống như cà phê, con sẽ sống tốt đẹp hơn và có thể thay đổi tình thế xung quanh con, khi mọi thứ đang trở nên tồi tệ nhất.
Trước những ngày tháng đen tối nhất và trước những thử thách cam go nhất, con sẽ nâng bản thân mình lên một tầm cao mới. Sau này khi con gặp hoàn cảnh bất lợi, hãy nhớ tự hỏi mình: “Tôi sẽ là một củ cà rốt, một quả trứng hay là cà phê ?”.
Câu chuyện muốn nói với chúng ta rằng những thử thách trong công việc sẽ để khiến chúng ta mạnh mẽ, và những đau thương sẽ giúp cho chúng ta sống có tình người và có đủ hy vọng để hạnh phúc trong cuộc sống. 
Chúng tôi thiết nghĩ, bên cạnh việc sắp sếp lại công việc cho hợp lý với năng lực của mình, bạn nên dành một ít thời gian trong ngày để thực tập niệm Phật hay Thiền định. Vì công năng Thiền định hay niệm Phật sẽ giúp bạn lắng động lại tâm tư, cân bằng lại tinh thần sau những giờ làm việc đầy căng thẳng. Bằng cách ứng dụng Thiền định và Niệm Phật trong cuộc sống thực tế, chúng ta không chỉ đạt được bình an thật sự trong tâm trí mà còn có được một thái độ sống tích cực và lành mạnh.   Chúc bạn luôn tìm thấy niềm vui và thành công trong công việc.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây