Gần Phật và Xa Phật.

0
1710

Thưa thầy con là một Phật tử Quy y tại chùa Hoằng Pháp cách đây một năm. Bản thân con rất muốn về chùa hằng tháng để gần gũi quý thầy, gần chùa để tu học. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, gia duyên ràng buộc nên ước muốn không thành. Trong thâm tâm của con luôn cảm thấy bất an vì mong muốn của bản thân không thành hiện thực. Mong quý thầy cho con một lời khuyên để làm thế nào mặc dù xa quý thầy, xa chùa con vẫn an tâm tu tập trong đời sống bình nhật ?
Hoàng Thanh Phương, Pháp danh: Tịnh Phương, Lạng Sơn.
 *  *  *
Phật tử Tịnh Phương thân mến !
Trước tiên chúng tôi tán thán tinh thần học Phật của Phật tử. Tuy là một Phật tử tại gia bận với công việc kiếm sống, song tâm nguyện luôn hướng về Tam Bảo, mong muốn ứng dụng lời Phật dạy trong cuộc sống đời thường.
Trong kinh Tiểu Bộ, chương 4, Phẩm Meghiya, kinh số 34, đức Phật có dạy năm phương pháp cần thiết cho một người sơ cơ học Phật mà người này chưa có thể làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của đời sống. Đức Phật dạy cho Meghiya:
“Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là giải pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.”
Như vậy, trong năm phương pháp kể trên chúng ta nhận thấy rằng yếu tố đầu không thể xem thường đó là gần gũi thiện hữu tri thức, bạn hiền. Bởi môi trường sống chung quanh có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi biểu hiện của mỗi cá nhân trong đời sống.  Ngoài ra, đạo đức hay còn gọi giới luật mà Phật dạy, năm giới Phật dạy là nền tảng căn bản của người Phật tử tại gia. Giới luật được xem như tường thành vững chắc bảo hộ cho chúng ta trên phương diện tránh tạo những điều ác và làm lành việc lành. Một khi chúng ta chưa làm chủ được tâm thức của bản thân trước những cám dỗ dục vọng của cuộc đời, trên tất cả chúng ta phải dựa trên giới luật để làm kim chỉ nam trong cuộc sống. 
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, trong phẩm Bát Nhã, Lục tổ Huệ Năng có nói:
“Phật pháp nơi thế gian
Không lìa thế gian giác
Lìa thế tìm Bồ đề
Giống như tìm sừng thỏ”
Tư tưởng Thiền tông muốn nhấn mạnh rằng tinh thần tìm cầu Phật pháp phải ngay trong thế gian này. Phật pháp không phải là một thế giới khác biệt nằm ở một nơi nào xa xăm mà bản thân Phật pháp, những chân lý đức Phật giác ngộ vốn hiện hữu trong đời sống chung quanh chúng ta. Nếu chúng ta rời khỏi thế gian để tìm cầu sự giác ngộ theo quan điểm Phật giáo là việc không có kết quả, chẳng khác nào như ước vọng ảo tưởng tìm sừng thỏ.
Ngoài ra, trong kinh Tiểu Bộ, kinh Phật tự thuyết, số 90, Đức Phật cũng từng đề cập: “Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.”
Qua đoạn kinh nêu trên, chúng ta nhận thấy rằng đức Phật đã cụ thể hóa việc tu học Phật pháp một cách thực tế. Dù sống ở môi trường nào chúng ta biết giữ đạo, biết sống theo lời Phật dạy thì chúng ta gần Phật. Ngược lại hành động chúng ta không sống đúng theo những những lời Phật dạy, sống trái với luân thường đạo lý, các giá trị truyền thống dân tộc, dù có gần Phật nhưng chúng ta vẫn cách xa Phật vạn dạm.
Hy vọng thông qua những lời Phật dạy nêu trên. Mỗi người con Phật chúng ta sẽ nhận thức được giá trị hiện thực của Phật pháp hầu ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Phật pháp không lìa thế gian pháp hay thế gian cũng là Phật pháp. Những chân lý Phật dạy vốn hiện hữu giữa cuộc sống. Nhục thân đức Phật đã mất cách đây hơn hai nghìn năm trăm năm, nhưng Pháp thân của ngài vẫn thường hằng mãi trên thế gian này. Pháp thân là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa với Chân như, là thể của vũ trụ. Pháp thân là thể mà Phật và chúng sinh đều có chung. Pháp thân cũng chính là Pháp là quy luật vận hành trong vũ trụ, là giáo pháp do đức Phật truyền dạy cho tất cả chúng ta.  * * *
Tài liệu thao khảo

1. Kinh Tiểu Bộ, http://www.tangthuphathoc.com/kinh/tieubo/1.3.3.htm
2. Kinh Pháp Bảo Đàn, http://www.quangduc.com/kinhdien/24phapbaodan02.html
3. Kinh Tiểu bộ, http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/Kinh/u-kinh-tieubo1/tb14-ptnv2.htm.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây