Chương trình Ánh Sáng Phật Pháp kỳ 33

Sáng ngày 25/12/2011 (nhằm ngày 1/12 năm Tân Mão), hơn mười ngàn Phật tử nội, ngoại thành và các tỉnh lân cận đã về tham dự Tu một ngày tại chùa Hoằng Pháp. Trong không khí se lạnh và tất bật của những ngày cuối năm, mọi người vẫn không quên dành thời gian để đến chùa tu tập, nghe pháp.

Sau khi dùng điểm tâm sáng, các Phật tử đã nhanh chóng huân tập về các khu vực giảng đường. Với áo tràng lam trang nghiêm, chỉnh tề, Phật tử lắng yên ngồi nghe ĐĐ. Thích Tâm Trung sinh hoạt về nội quy của ngày tu nhằm giữ gìn sự trang nghiêm, thanh tịnh cho toàn thể đạo tràng.

Trong kỳ tu này đã diễn ra chương trình Ánh sáng Phật pháp kỳ 33 – xoay quanh những thắc mắc của Phật tử trong việc tu tập, về ý nghĩa của việc đến chùa lễ Phật, cũng như phương cách hóa giải những bế tắc diễn ra trong đời sống. ĐĐ. Thích Đồng Thành – Hiệu trưởng trường TCPH Bình Định đã hoan hỷ nhận lời mời tham dự chương trình và giải đáp cặn kẽ những vướng mắc ấy. Kết lại chương trình, TT. Trụ trì Thích Chân Tính cũng đã có một vài chia sẻ với Phật tử về các vấn đề được đưa ra, nhằm nhấn mạnh hơn phần giải đáp của Đại đức Giảng sư. Tiếp đó, đạo tràng trang nghiêm, thành kính bước vào thời khóa công phu kinh hành niệm Phật.

Sau giờ nghỉ trưa, dưới sự hướng dẫn của quý thầy, các Phật tử tiếp tục thời khóa tu tập buổi chiều.

Kết thúc ngày tu, BTC đã gửi tặng mỗi gia đình một VCD pháp bảo cùng tờ lịch khóa tu năm 2012

Nội dung câu hỏi chương trình Ánh sáng Phật pháp kỳ 33:

Câu 1: Kính bạch quý Thầy!

Những năm trở lại đây thế giới trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là biến cố về kinh tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, hàng loạt người thất nghiệp và không ít các nhà tỷ phú, nhà đầu tư, giới thương gia vẫy tay chào cuộc đời bằng cách tự tử. Đứng trước vấn nạn này, phương pháp chuyển hóa nào của Phật giáo có thể giúp đỡ người lâm vào tình trạng “thất cơ lỡ vận”vực dậy sau biến cố để gầy dựng lại sự nghiệp và phải làm gì để cứu độ những vong linh chết vì tự tử sớm được siêu thoát, vì người chết bằng cách tự tử thường mang theo nhiều tâm lý luyến tiếc, chấp trước và khổ đau tột cùng. Kính mong quý Thầy từ bi chỉ dạy!

Câu 2: Kính bạch quý Thầy!

Con là một Phật tử có quá trình đi chùa tu tập khá lâu, với những gì con biết thì độ tuổi từ 40 trở lên tới chùa nhiều hơn độ tuổi thanh thiếu niên. Phải chăng quan niệm “trẻ vui nhà già vui chùa” là một trở ngại khiến nhiều bậc phụ huynh không dám khích lệ con em mình tới chùa tu học Phật pháp, hoặc do giới trẻ ngại không dám tới chùa vì nghĩ rằng chùa chỉ dành cho người lớn, người già. Đạo Phật vốn bình đẳng và cửa chùa rộng mở như là một địa điểm bình yên để tất cả mọi người không phân biệt già – trẻ, trai – gái, địa vị, giai cấp, giàu – nghèo, sang – hèn… quay về nương tựa. Với tinh thần bình đẳng của đạo Phật kính xin quý Thầy giảng giải về ý nghĩa của ngôi chùa đối với quần chúng.

Câu 3:Kính bạch quý Thầy!

Con có một đứa em trai mê chơi game và vì chơi game mà em quên lãng việc học tập. Cả nhà con rất lo cho tương lai của em. Ba mẹ con đã tìm đủ mọi cách để khuyên ngăn nhưng em con bị ghiền game quá lâu nên không thể bỏ được. Kính xin quý Thầy chỉ cho con phương pháp với hy vọng có thể thay đổi được thói quen không tốt này của em con.

Những câu hỏi trên đã được Đại đức Giảng sử giải đáp khá rõ ràng. BBT Website sẽ cập nhật đến quý Phật tử trong thời gian sớm nhất.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận được:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *