1. KHÁI QUÁT:
Con người hằng ngày phải đối mặt với bộn bề công việc, ít có được chút thanh thản. Đầu óc luôn trong tình trạng hoang mang, bồn chồn và lo lắng. Nếu lâu dài sẽ dẫn đến trầm cảm và stress vì áp lực. Vì vậy, quý Phật tử thường đến chùa để tìm sự bình an nội tâm bằng cách tụng kinh và lễ Phật cùng với quý thầy. Tụng kinh, lạy Phật hoặc ngồi thiền, niệm Phật,… được xem như một thời khóa hành trì công phu, được thực hiện tại tự viện, chùa chiền hay nơi công cộng, lễ hội, tư gia trong đời sống tu tập của người xuất gia cũng như Phật tử tại gia.Nhìn sâu vào khía cạnh tâm lý học của một thời khóa tụng kinh, đây cũng là hình thức trị liệu. Chính những thanh âm trầm bổng kèm theo sự trang nghiêm đã khiến một số Phật tử cảm thấy nhẹ lòng.
2. TỤNG KINH LÀ HÌNH THỨC NHẮC LẠI LỜI PHẬT DẠY
Các vị Tỳ-kheo sẽ nhắc lại lời dạy của đức Phật bằng cách tụng đọc lớn tiếng những gì nhớ được. Khi đức Phật hay chư vị Thánh đệ tử giảng một bài kinh nào đó, người nghe chỉ học thuộc lòng, chư Tăng tụ họp lại để thảo luận, suy ngẫm, cũng như đọc tụng để những người chưa thuộc lòng cùng nhau đến nghe để học theo.
Trong kỳ kiết tập Phật giáo đầu tiên, Tôn giả Ānanda đã tuyên đọc Kinh tạng và Tôn giả Upāli trùng tụng Luật tạng.
Ngày nay, hình thức tụng kinh diễn ra hầu hết ở các chùa Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa. Tuy hình thức trì tụng khác nhau, nhưng mục đích cũng là nhắc lại lời Phật dạy, từ đó ghi nhớ và nắm lấy pháp hành.
Điều này cũng tương tự như việc ta nghe đi nghe lại một bản nhạc yêu thích, ta không cố ý ghi nhớ lời bài hát hay giai điệu, nhưng nó sẽ được bộ não của ta ghi nhớ lúc nào không biết. Tụng kinh là hình thức dành cho đại đa số quần chúng. Họ có thể là những người bận rộn ít có thời gian đọc kinh sách, như công nhân, làm vườn, nhân viên văn phòng, thậm chí là các vị lớn tuổi. Với những vị có túc duyên sâu dày nhiều đời, nhiều kiếp với kinh điển thì dù hình thức gì họ cũng học được kinh điển nhanh và hiệu quả. Một khi ta triệt ngộ trong pháp hành, có thể sẽ không cần phải áp dụng một hình thức nghi lễ Phật giáo nào cho bản thân nữa.
3. GIÁ TRỊ CHỮA LÀNH TÂM LÝ CỦA NGHI LỄ PHẬT GIÁO
Thay vì chúng ta nghe những bài hát về tình yêu ray rứt, hay bài nhạc có tính kích dục, về mặt tích cực, chúng ta nghe kinh bằng cách xướng tụng. Chúng ta sẽ chú tâm vào lời kinh hơn vì kinh chuyển tải những thông điệp tốt đẹp của đức Thế Tôn. Những ý nghĩ xấu ác, tiêu cực sẽ không nảy sinh trong tâm trí. Mặc dù không thể tự tin nói rằng tụng kinh sẽ chữa khỏi mọi đau khổ vốn có trong các hội chứng tâm lý, nhưng tụng kinh có thể làm giảm bớt phần nào phiền não nhờ năng lực của chánh niệm khi ta an trú lời kinh ngay hiện tại. Chúng ta sẽ đi sâu vào nội dung của một nghi lễ Phật giáo, để phân tích đặc tính chữa lành của trì tụng kinh điển.
- Đầu tiên là Đảnh Lễ Tam Bảo. Tam Bảo là nơi nương tựa tinh thần của hàng Phật tử. Vì vậy, tụng ba lần quy y Tam Bảo sẽ nhắc nhở ta trở về với hiện tại thanh tịnh. Kế đến là ân đức của Tam Bảo sẽ giúp ta luôn ở trong trạng thái tinh thần tích cực. Tại Sri Lanka, Khóa Lễ Tam Bảo là khởi đầu của buổi tụng kinh. Ở Myanmar sẽ có thêm phần Bố Cáo và Thỉnh Chư Thiên nghe pháp bảo.
- Một số đạo tràng có thể thực tập thiền tâm từ 5 đến 10 phút để cho tâm mát mẻ.
- Tại các quốc gia theo Phật giáo Đại thừa, sau khi Đảnh Lễ Tam Bảo sẽ có phần Dâng Hương, tụng Chú Đại Bi, sau đó là đọc bài Kệ Khai Kinh trước khi bước vào thời khóa tụng chính thức. Việc trì tụng Chú Đại Bi trong các chùa Đại thừa cũng có ý nghĩa tương tự như hành thiền tâm từ.
- Cuối mỗi thời tụng kinh sẽ có phần Chia Phước (theo Nguyên thủy) và Hồi Hướng Công Đức cùng phần Phục Nguyện (theo Đại thừa). Phần này có ý nghĩa gì? Đó là giúp chúng ta mở lòng rộng rãi, tinh thần bố thí và tình yêu thương cùng khắp. Theo Đại thừa Phật giáo, trước khi kết thúc, có phần quy y Tam Bảo nơi chính mình (Tam Tự Quy Y). Đây là cách đánh thức sự tỉnh giác, thanh tịnh và hòa hợp trong mỗi chúng ta.
Như đã thấy, nếu ta khéo tác ý, một buổi tụng kinh có rất nhiều lợi ích, thậm chí còn giúp tâm ta thư thái, thật thoải mái. Khi đó, các hormone hạnh phúc và yên bình như serotonin và endorphin sẽ được tiết ra để chống lại sự ức chế của các dây thần kinh. Chánh niệm cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giảm căng thẳng. Nếu lúc này ta giữ được chánh niệm thì những tư tưởng buồn phiền, bồn chồn, lo lắng không có cơ hội tồn tại. Dù chỉ là liều thuốc giảm đau cho vết thương, nhưng nghi lễ Phật giáo cũng đã phần nào chữa lành vết thương. Ta nên tiến xa hơn bằng cách thường xuyên công phu tu tập, chẳng hạn như thực tập thiền hơi thở, niệm danh hiệu Phật, niệm ân đức Phật, thiền tâm từ, v.v…
4. KẾT LUẬN
Trì tụng kinh điển là một hình thức có từ thời Đức Phật, nhưng cách thức ngày nay đã khác. Mục đích của việc trì tụng kinh điển với âm điệu không chỉ là để nhắc nhở những lời Phật dạy mà còn giúp thấm nhuần những hạt giống thiện lành vào tâm trí. Điều này cũng rất hữu hiệu nhờ tác dụng chữa bệnh của âm thanh trầm bổng và ý nghĩa vi diệu của các bài kinh. Tính thực tiễn này tuy không phải ai cũng chấp nhận, nhưng nó vẫn diễn ra phổ biến và âm thầm đem lại lợi ích cho số đông, cho quần chúng, những ai muốn quay về sự an lạc và thanh thản cho kiếp sống nhân sinh.
“Asajjhāyamalā mantā” – “Không trì tụng là vết nhơ của việc học”
(Pháp Cú câu số 241)
Tâm Cung
(Bài phát biểu ngắn về “Psychiatric Aspects Of Buddhist Rituals” tại đại học Kelaniya – Sri Lanka, Chuyên khoa Pāḷi và Phật học, 2022)