Ngôi Chùa mến thương

0
1707

Ấn tượng đẹp đã để lại trong con từ buổi đầu tiên đến chùa qua lời chào hỏi thân thương và nụ cười xinh như hoa của các cô bảo vệ nữ, cách hỏi thăm kính mến của quý thầy. Và biết bao điều bất ngờ từ con người ở đây nữa, sao mà dễ thương quá. Đức tính của họ như những hoa Sala tỏa ngát đâu đây, thoang thoảng hương thơm rất lạ kỳ.

Con xuất gia đã gần một năm nhưng vẫn chưa thực sự tìm được nơi phù hợp với sở thích và nguyện vọng để có thể phát huy trí tuệ, lòng từ bi và năng lực vốn có của mình.

Con đã đi và đến nhiều chùa để tìm hiểu thực chất tu học như thế nào nhưng lại cảm thấy thất vọng vì cái “được và mất”. Cuộc sống đã làm con mất đi sự thăng bằng và thấy thất vọng vì lòng người nhỏ hẹp, sống chủ yếu vì danh và lợi. Con thầm nghĩ, con đã bỏ lại gia đình, cha mẹ, bà con thân thuộc, bạn bè để đi tìm một sự an lạc, giải thoát thì con phải tìm cho được một môi trường tu học cho đúng những giá trị chân lý mà đức Phật dạy.

Đó là lý do buộc con phải trôi dạt khắp nơi để tìm Minh Sư học đạo. Trải qua nhiều ngôi chùa, con vẫn chưa thấy nơi nào hợp với căn cơ của mình. Con thất vọng quá và định bỏ đi thật xa, về núi để ẩn tu nhưng lại nghĩ: liệu có ích kỷ không khi ra đi trong lúc xã hội đang cần “bàn tay” và “trí óc” của tuổi trẻ nhiệt huyết cống hiến cho đời? Đó là điều đã thôi thúc con tìm đến chùa Hoằng Pháp xin ở tạm một thời gian ngắn để đi học nhưng mục đích chủ yếu là học đạo và trau dồi trí tuệ, học những bí quyết cũng như kinh nghiệm và nghệ thuật của quý Thầy trong phương cách giáo dục, hoằng dương Phật pháp. Và bởi, môi trường tu học ở đây có điều kiện để thực hành “phước huệ song tu”. Thỉnh thoảng, con lại được có những giây phút hòa tâm mình vào âm nhạc Phật giáo, vừa giải trí và vừa trở về thế giới cực lạc thực sự nơi tâm mình.

Quả thật, đến với chùa Hoằng pháp là một quyết định không sai lầm và con còn khám phá nhiều điều thú vị khác nữa khi ở đây. Chính nơi đây, con được sống những ngày an lạc và hạnh phúc, những phiền não và những nỗi buồn thất vọng sau khi xuất gia đã không còn nữa…Thế giới Cực Lạc không ở đâu xa, không phải cách mười muôn ức mà ở tại Ta-bà này. Con đã sống những ngày thật hạnh phúc trong ngôi chùa tâm linh có đủ đầy phương tiện, con được nghe nhạc, đọc sách, làm lao động, được nghe tiếng chim hót, tiếng lá reo, tiếng gió rì rào và ngắm trăng những ngày rằm nữa… Và mỗi buổi sáng, sau giờ công phu khuya, vừa quét lá, con vừa được nghe băng thầy Trụ trì thuyết pháp về giới luật của Tỳ-kheo và những mẩu chuyện về cách tu của nhiều vị hành giả thời Phật còn tại thế.

Ấn tượng đẹp đã để lại trong con từ buổi đầu tiên đến chùa qua lời chào hỏi thân thương và nụ cười xinh như hoa của các cô bảo vệ nữ, cách hỏi thăm kính mến của quý thầy. Và biết bao điều bất ngờ từ con người ở đây nữa, sao mà dễ thương quá. Đức tính của họ như những hoa Sala tỏa ngát đâu đây, thoang thoảng hương thơm rất lạ kỳ. Họ sống và tu hành có khuôn khổ, nề nếp và trang nghiêm trong cả cách đi, đứng, chào hỏi. Ngay cả các cô chú làm công quả cũng vậy. Ở đây, Phật tử làm công quả và quý thầy đều đông nhưng nhờ cách sắp xếp có khoa học và phân chia công việc ổn thỏa; mọi người biết chia sẻ nên cảnh sống, tu học rất chan hòa, thân thiện.

Hằng ngày, con có điều kiện tu học trong chánh niệm và “lớn lên” trong sự giáo huấn của quý Thầy. Sau mỗi buổi sáng dùng tiểu thực xong, quý thầy lớn ở đây đều có dành thời gian khoảng 10 phút để truyền trao những đạo lý sống và uốn nắn quý thầy trẻ cũng như Phật tử nam nữ phải sống đúng chánh pháp, giữ gìn nội quy, giới luật nhà chùa, của người tu; trước hết là biết sửa mình, tìm cái hay của người để học, giữ thân khẩu ý cho thanh tịnh, tránh tạo nghiệp.

Ở đây một thời gian ngắn, con lại tìm những điều thú vị khác trùng với sở thích của con. Thật tình cờ, con đã biết đến những ca khúc do thầy Trụ trì sáng tác – 15 bài hát trong chương trình ca nhạc “Quay về”, con liền lên mạng tải về và ngân nga tập hát để có dịp hát cho quý khán giả xem. Và một điều thích thú nữa, mỗi khi đi kinh hành, mọi người cùng bước theo tiếng niệm A-di-đà Phật thật hay. Từng bước chân, con thấy mình khỏe ra trong sự thanh thoát, nhẹ nhàng và an lạc, mỗi bước chân như đang bước vào Cực Lạc. Thường thì, một chương trình tu ở đây chỉ trên một tiếng, gồm tụng kinh, kinh hành và ngồi tĩnh tọa. Thời gian vừa đủ làm cho con không ngán, không thấy mỏi mệt mà lại thích thú.

Mặt khác, ở chùa có nhiều bản trích lục báo tường như: Khai thị niệm Phật, Khuyên phóng sanh, Thương về miền Trung lũ lụt v.v… Con thấy hay quá nên lấy tập ra chép để mai mốt in phát cho Phật tử vùng sâu, xa mỗi khi con đi làm từ thiện hay viết báo.
Kể làm sao hết nhiều cái hay, mới lạ ở đây. Có nhiều sự cải tiến và khoa học, trí tuệ trong phương pháp tu học và làm Phật sự, trị sự… Chùa có Phòng khách, Phòng tư vấn, Thư viện, Phòng Phát hành kinh đĩa, Văn phòng – nơi tổ chức sắp xếp mọi việc, tổ Nhà bếp thì có mặc đồ bảo hộ riêng… Ngoài ra còn có nhiều ban ngành, mỗi ban đều có người phụ trách và theo dõi chính để đảm bảo công việc tốt.

Tùy theo khả năng của mỗi người mà quý Thầy và Phật tử ở đây sẽ được bố trí công việc để có thể phát huy năng lực của mình trên tất cả mảng: truyền thông, thuyết pháp, từ thiện, cúng đám, điều hành lễ hội, điều khiển các chương trình tu cho Phật tử, sinh viên… Nhưng có điều đáng tiếc, con không phải là Tăng, chỉ tá túc qua giai đoạn thi cử nhờ lòng từ bi của quý Thầy, nên không có cơ hội được phụng sự cho nơi này.

Có lẽ, sẽ khó tìm ra một ngôi chùa với đầy sự yêu mến và có đủ mọi điều kiện, phù hợp với sở thích của con như ở đây. Nhưng dù sao, đây cũng là những ngày sống an lạc, hạnh phúc và con nhận ra giá trị chân lý, vẻ đẹp của một vị tu chân chính. Mình phải làm gì, tu không phải để người khác xá mình vì mình là “đầu trọc, áo vuông” mà là tu dưỡng đạo đức sống, trí tuệ và lòng từ bi.

Cám ơn Hoằng Pháp, ngôi chùa đã bồi đắp cho con những thiếu sót của một tâm hồn nhỏ bé đang bị tổn thương sau bao năm thăng trầm trong xã hội. Nơi đây đã vun đắp cho con một vẻ đẹp của tâm hồn, một vẻ đẹp của trang nghiêm, trí tuệ, lòng từ bi, và vẻ đẹp của một sự lao động không mệt mỏi vì “hoằng pháp lợi sanh”.
Thích nữ Liên Hiền

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây