Nhiệm mầu câu niệm Phật

Nam mô A-di-đà Phật, sáu chữ xưng tán hồng danh, sáu chữ có công năng thần diệu ấy tôi đã biết từ lâu. Tuổi thơ tôi có những ngày lớn lên cùng câu kinh tiếng mõ ba mẹ hay tụng vào mỗi tối, vì thế lẽ dĩ nhiên tôi cũng được nghe danh hiệu này.

Cũng chẳng còn thấy nô nức, vui sướng theo ba mẹ đi lễ chùa ngày Tết như xưa, tôi đến một ngôi chùa nào đó có chăng cũng chỉ vì cảnh vật đẹp, có nhiều hoa lá, cây cỏ mà thôi. Tôi gặp lại câu Phật hiệu này trong nhiều quyển sách luận về Phật pháp và Tịnh Độ tông nhưng cũng chỉ dừng ở mức ấy vì tôi không thích Tịnh Độ cho lắm. Thay vào đó, tôi ưu ái dành nhiều thời gian và tâm trí cho kinh sách Thiền tông. Với tôi lúc đó, Thiền là trên hết. Bởi người thầy đầu tiên khai mở và hướng tôi đến lý tưởng tuyệt vời, đưa tôi vào đạo là một Thiền sư. Từ tận đáy lòng, người ấy là vị Bổn sư khai sáng, và do đó tôi cũng muốn đi theo pháp môn người tu tập.

Những tưởng mọi việc cứ như vậy, nào ngờ tư tưởng bao năm tôi chấp giữ phút chốc đổi thay chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi. Đó là khi tôi tham dự Khóa tu Phật thất tại chùa Hoằng Pháp. Với bao sự việc đi qua cuộc đời của mỗi người hẳn chúng đều lưu giữ lại ít nhiều những dấu ấn, kỷ niệm không phai. Và khóa tu lần đó là một dấu ấn lớn trong ký ức tôi.

Trước khi dự khóa tu, tôi đã đến chùa hai lần. Ấn tượng về chùa Hoằng Pháp lúc đó trong tôi chỉ là một ngôi chùa lớn, khuôn viên rộng, nhiều cây cao, đặc biệt hồi đó chùa còn có hai hàng chậu trồng sen xếp song song nhau luôn tỏa hương thơm ngát mà tôi rất thích. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có lúc mình lại ở đây dù chỉ 1 ngày, huống chi là 7 ngày. Suy nghĩ của tôi lúc đó rạch ròi lắm, Hoằng Pháp tu niệm Phật vậy là thuộc Tịnh Độ tông, do đó tôi không nên “dây dưa” vào. Nhiều lần ba mẹ cứ bảo tôi sao lại phân biệt như vậy nhưng tôi chẳng bao giờ nghe. Vậy mà thật lạ, khóa tu đó tôi lại khăn gói lên chùa. Không biết có phải do nghe ba mẹ nói mãi rồi thấm hay do chữ duyên đưa đẩy nữa!

Ngày tôi đi, ông trời dường như muốn thử lòng người. Xe ngoài thì cứ lòng vòng trong thành phố hết gần 2 tiếng, xe buýt thì đầy hết chỗ, thế nên đáng lẽ tôi sẽ đến từ sớm, vậy mà tận chiều tôi mới thấy được cổng chùa. Đi cùng chuyến này còn có mấy người đã dự nhiều khóa trước, nên tôi cũng an tâm phần nào, không phải lo lạ cảnh, lạ người. Tuy nhiên, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng “chiến đấu” vì nghe nói nội quy ở đây rất nghiêm. Song đứng ngoài “trận chiến” so với lúc “xông pha trận mạc” thì hoàn toàn khác nhau. Lúc chưa tu khí thế ngời ngời, thử rồi thì tráng khí tiêu tan. Thứ nhất, ngủ lạ chỗ làm cả đêm tôi trằn trọc, rồi phải thức dậy lúc 3h30, nên hôm đầu tiên nhìn tôi mới thảm hại làm sao! Thứ hai, giờ công phu chỉ toàn niệm “Nam mô A-di-đà Phật”. Nhưng giờ tịnh tọa mới là lúc tôi sợ nhất. Cái đau, cái mỏi lúc công phu đem so với lúc ngồi tịnh tọa chẳng thấm vào đâu. Cả buổi, tôi chỉ cảm thấy đau nhức chứ chẳng thấy an lạc, nghĩ đến phải chịu đựng thêm mấy ngày vậy nữa lòng tôi thật ngán ngẩm. Chưa kể những lúc gật gù, mơ màng trong giờ pháp thoại, mắt muốn díp lại mà vẫn phải mở ra vì sợ sư thầy, sư cô giám luật bắt được.

Than vãn nãy giờ nhưng chẳng phải là tôi chỉ thấy đau khổ thôi, thật ra niềm vui và thành quả tôi đạt được còn nhiều hơn. Tôi nghĩ gian khổ, thử thách đó chính là nền tảng bước đầu để tôi xây dựng hạnh phúc, an vui về sau. Nó là một phần của hạnh phúc. Thật vậy! Những ngày sau, khi dậy sớm đã trở thành thói quen, tôi không còn cảm thấy mệt mỏi nữa, ngược lại còn thấy rất sảng khoái, và nhờ thế tôi có nhiều thời gian hơn để tận hưởng thiên nhiên, để tái tạo năng lượng và làm mới tâm hồn. Có bao giờ bạn thử ngồi lặng im, ngập chìm trong bầu không khí mát dịu buổi ban mai, hít thở sâu luồng thanh khí ấy, mặc tình cho cơn gió nhẹ mơn man, ôm ấp. Hòa trong không gian tươi mới ấy, tôi lặng nghe tiếng vỗ cánh, tiếng chim kêu lích chích trên những khóm lá xanh. Những đêm trời trong, tôi rảo bước nhẹ nhàng, nghe gió và lá hòa tấu điệu thiên nhiên. Tôi cảm nhận hương hoa thoáng qua dịu dàng, và vui thích với cái mát lạnh từ chiếc ghế đá truyền sang khi ngồi ngắm trăng treo trên bầu trời trong vắt. Ban ngày, tôi nhìn trời cao rộng qua những tán lá xanh. Dường như ở Hoằng Pháp trời luôn xanh thì phải, màu lá biếc chen với màu trời trong, lại được rắc lên chút nắng vàng tươi, đẹp tuyệt vời! Cảnh sắc thật tươi sáng và rạng rỡ. Rồi có những ngày mưa, nhìn những hạt mưa thi nhau tuôn trên mái chùa đỏ tươi, nghe tiếng mưa rơi lộp độp, ào ào và cảm nhận nước mưa mát lạnh qua đôi bàn tay. Ôi! Tất cả hiện hữu thật nhiệm mầu. Tôi đã thật sự hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận, tiếp xúc với sự sống quanh mình và sự sống cũng đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, mang lại cho tôi sự bình an, thư thái.

Thiên nhiên đã ưu đãi khiến cho nơi chốn ấy trở nên gần với Cực Lạc. Đất linh thiêng hay chính bởi con người mà nơi này hóa linh thiêng? Ở đây, các thầy ai cũng có tài lại vui tính nữa, phong thái thì ung dung, đĩnh đạc. Đặc biệt nhiều thầy hát rất hay, có lẽ vì thế mà giọng niệm Phật cũng rất ngọt và sâu lắng. Một phần do vậy mà tôi đâm nhớ câu niệm Phật, thích niệm Phật, phần nữa “mưa dầm thấm lâu” nên mãi sau này, khi về nhà, dư âm câu Phật hiệu ấy vẫn thường vang vọng trong đầu tôi. Trong khóa tu ấy, điều tôi thấy hết sức ngộ nghĩnh chính là câu niệm Phật trong giờ tịnh tọa. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có cách niệm Phật mới lạ và hay như vậy, cảm giác càng thêm huyền diệu. Trong không khí tịch lặng, tiếng chuông hòa lẫn tiếng xướng tụng ấy như vọng về từ cõi xa xăm nào đó.

Với câu niệm Phật, cảm giác của tôi đó là thích thú, hứng khởi nhưng điều làm tôi xúc động đó chính là tấm lòng những người nơi đây. Thương Phật tử, các thầy thường hay khuyên bảo, sách tấn mọi người tu tập qua những lời nói, câu chuyện, bài thơ. Tôi cảm nhận được tình thương các thầy qua những ngôn từ ấy. Dù bận trăm công nghìn việc, có lúc thức trắng đêm để chuẩn bị cho lễ Vía A-di-đà được chu toàn, vậy mà các thầy vẫn quan tâm, lo lắng chu đáo chuyện ăn ngủ và tu học cho mọi người. Tôi có là gỗ đá cũng phải cảm động và thấy biết ơn vô vàn. Ngạn ngữ có câu “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Tài năng của các thầy tôi có thể ngưỡng mộ, khâm phục nhưng trái tim lòng từ và thương yêu rộng lớn ấy của các thầy đã lay động trái tim tôi, đã khiến tôi thật sự tôn kính, biết ơn. Tôi còn biết ơn những người làm công quả, đặc biệt là bộ phận nhà bếp. Tôi trân trọng tấm lòng, công sức của những con người ấy. Họ đã thức khuya, dậy sớm lo việc ăn uống cho khoảng 3000 người. Hy sinh ấy quả không nhỏ. Còn những người bạn hết sức dễ thương tôi quen trong khóa tu, tất cả họ đều có góp phần trong thành quả tu tập của tôi.

Thiên nhiên, cảnh vật thật đẹp còn con người nơi đây thì thật hiền hòa, dễ thương. Dường như cảnh và người đã hòa điệu cùng nhau để làm nên một đêm tuyệt diệu – đêm hoa đăng mầu nhiệm, đêm thiêng liêng. Tôi thật có phước lớn nên mới được dự một buổi lễ hết sức quy mô, hoành tráng như vậy. Cả đạo tràng ngồi đó lặng im, trầm hùng, không khí như theo đó mà thanh thoát, trang nghiêm. Hàng ngàn ngọn nến lung linh lan tỏa, sáng rực cả vùng trời. Ánh sáng nến hay ánh sáng tâm đang sáng ngời trao truyền sức mạnh cho nhau. Ngoài một cơn mưa phùn nhẹ nhàng ghé thăm, buổi lễ đã diễn ra thật viên mãn, trọn vẹn. Đêm hôm ấy, chùa tưng bừng, ngập tràn không khí hân hoan, mọi người nô nức tụ hội hoa đăng, tôi cũng hòa mình vào trong dòng cảm xúc ấy. Tối đó, chúng tôi ngủ rất trễ. Sáng hôm sau cũng là ngày tôi về lại gia đình. Thú thật, lúc mới đến chùa tôi chỉ mong về sớm, nhưng khi về thì lại chẳng muốn đi.

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng phải chia tay. Có bắt đầu là có kết thúc. Từ giã mọi người, tôi ra về cùng với tôn tượng Phật A-di-đà, món quà mà chùa tặng. Đây quả thật là một món quà quý giá và hiếm có, nhưng với tôi quý hơn cả chính là khoảng thời gian tôi sống ở chùa, là trải nghiệm, là cảm xúc tôi đã có, là sự mới mẻ, thay đổi diệu kỳ trong tâm tưởng, là an lạc trong tâm hồn tôi. Giờ đây, đối với tôi, niệm Phật không còn là điều gì xa lạ mà rất gần gũi, thân thương, cũng hay và thú vị lắm!

Có được cách nhìn tích cực, mới mẻ như vậy, tôi như được sinh ra một lần nữa và chùa Hoằng Pháp đã mang lại nhân duyên ấy. Tôi sẽ mãi nhớ về mái chùa thân yêu và những con người nơi đó với một tình cảm sâu sắc, với một lòng tri ân vô hạn. Nguyện mong chùa Hoằng Pháp mãi là cái nôi nuôi dưỡng đời sống tâm linh cho muôn người, muôn loài. Nguyện mong thầy Trụ trì cùng chư Tăng mãi là bóng cây che chở, là dòng nước mát rửa sạch nỗi khổ niềm đau, đem an lạc hạnh phúc đến cho cuộc đời này.

Phật tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *