Nhớ Chùa

Gia đình tôi vốn theo truyền thống Phật giáo. Tôi có Pháp danh từ khi còn bé nhưng đến giờ tôi cũng không biết Bổn sư mình là ai. Sau này có về quê (Nha Trang) tìm lại những vị huynh trưởng của mình vào thời đó để hỏi lai lịch của vị ấy, nhưng tất cả đã trôi theo dòng thời gian, kẻ mất, người viễn xứ. Mười ba tuổi, tôi dấn thân vào đời với những bước độc hành để tìm kế mưu sinh. Trải qua hơn 30 năm, nhìn lại chỉ thấy toàn đắng cay và tủi nhục. Ít nhiều khi hiểu đó là nghiệp quả phải trả cho một kiếp người thì đã ngót nửa đời.

Giờ đây, con cái đã trưởng thành, tôi mới bắt đầu sống cho tôi. Đã nhiều lần tôi nghĩ, có còn kịp nữa không, khi phía trước tôi chưa tìm được một nẻo về. Thế rồi như định mệnh, tình cờ tôi biết được ngôi chùa Hoằng Pháp, hay nói đúng hơn đấy là khung cảnh quen thuộc trong những giấc mơ từng lặp lại trong những ngày tôi vật vã, hôn mê vì những căn bệnh hành hạ. Ở cái tuổi gần 50, bệnh tật đã khiến tôi không còn làm việc được như xưa nữa trong khi nhiều phụ nữ ở tuổi này vẫn còn nhiều sức khỏe, tâm huyết để cống hiến cho xã hội. Vả lại, các con tôi cũng muốn bù đắp cho tôi bằng những ngày thảnh thơi trong quãng đời còn lại. Cho nên, sau khi con gái lấy chồng, tôi chuyển về thuê hẳn phòng trọ gần chùa, mục đích cũng chỉ là được đi chùa. Lúc ấy, tôi chỉ có ý định là đi để có nơi đến mà thôi. Tôi vào chùa công phu mỗi chiều, nghe pháp vào mỗi kỳ Sám hối, tham gia công quả vào những ngày có lễ. Tôi quen dần với sinh hoạt ở đây. Niềm vui đến với tôi mỗi độ thêm đầy hơn. Tôi có bạn bè đồng tu và càng hiểu thêm nhiều về nơi đây. Một thời gian sau, khi biết rõ vị Trụ trì ở đây (Sư phụ tôi bây giờ) chính là một bậc minh sư. Tôi quyết định quy y tại đây và trở thành đệ tử của thầy với pháp danh mới là Liên Tùng. Niềm vui càng lớn khi tôi tham gia vào Ban hộ niệm của thầy Tâm Huệ. Do duyên lành, tôi được một cô Phật tử trẻ trong Ban dìu dắt. Kể từ đó, tôi theo thầy đi Phật sự khắp nơi. Học hỏi nhiều, hiểu thêm nhiều, tư tưởng tôi dần thay đổi. Tôi đã tìm thấy niềm an lạc thật sự trong tâm mình – cảm giác mà quá nửa đời người tôi mới có được.

Rồi con gái tôi có mang đứa con đầu lòng. Nó mệt, chẳng ăn uống được gì. Dù hai mẹ con tôi ở riêng, nhưng lúc này, cứ sáng sáng tôi phải loay hoay nấu nướng, đùm túm mang xuống cho con. Một việc làm hoàn toàn tự nguyện mà bất cứ người phụ nữ nào cũng đều thấy hạnh phúc khi được chăm sóc cho con cháu lúc chúng cần. Từ chỗ tôi ở đi xe buýt đến chỗ con tôi mất hơn một giờ. Ngồi trên xe quan sát cảnh vật chung quanh, tôi chợt thấy trống trải và buồn lạ kỳ. Tôi nhớ ngôi chùa của mình quá! Mới có vài ngày không vào mà cứ tưởng chừng như lâu lắm vậy. Những âm thanh nhộn nhịp, ồn ào, tấp nập hai bên đường lúc này không xua đi cái cảm giác lạc lõng đến hắt hiu đang ùa về trong tôi. Tôi nhớ như in những buổi sớm, trên chiếc xe 15 chỗ, thầy trò chúng tôi đi hàng trăm cây số để đến nơi tụng đám, phóng sanh. Tôi nhớ lối đi vào chùa luôn tấp nập, hai bên dãy nhà dân bày toàn các tranh ảnh, kinh sách, băng đĩa Phật pháp. Các cửa hàng lưu niệm và quán ăn mọc lên san sát, mà quán ăn hầu hết chỉ toàn quán chay. Tôi nhớ toàn cảnh gửi xe ngay bãi xe trước cổng chùa, lúc nào cũng có các chú bảo vệ đi tới, đi lui. Nhớ luôn cả hình ảnh các thầy mồ hôi ướt đầm sau lưng, ghi bảng số xe cho Phật tử. Nhớ những buổi sớm tôi đếm từng bước chân khi kinh hành qua lại trước cổng tam quan. Nhớ cả tư thế ngồi niệm Phật của mình trên ghế đá trước cổng chùa vào mỗi chiều những kỳ tu Phật thất. Tâm trạng tôi lúc đó an lạc và thảnh thơi đến lạ kỳ. Những âm thanh quen thuộc của tiếng khánh, tiếng mõ, tiếng chuông, cả giọng tụng tán của mỗi vị thầy dẫn chúng vào từng chiều công phu đã thấm sâu vào tâm tôi từng chút một. Tôi nhớ nhất là các ngày tu thất. Mới đây thôi, chỉ mới dự vài kỳ thôi nhưng cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Vui, mệt, hài hước, thân thương, an lạc, đều có cả. Lời các vị giảng sư trong những thời pháp như vẫn văng vẳng bên tai tôi. Tôi đã “ngộ” ra nhiều điều và thay đổi cách suy nghĩ của mình nhiều cũng từ những lời giảng ấy. Tôi xúc động khi nhìn thấy những vị làm công quả dọn dẹp ở các khu vực nhà vệ sinh. Trước kia tôi cũng từng kiếm sống nhờ công việc này. Tôi hiểu, cảm nhận được tất cả nỗi cực khổ của các vị ấy. Rồi hình ảnh quý thầy cùng các vị công quả ở nhà bếp, mồ hôi ướt đẫm vào những buổi khuya, cùng hì hục, loay hoay bên bếp lửa để chúng tôi trong những ngày tu học, mỗi sớm thức dậy là đã sẵn có một bữa ăn; hay những hộp cơm nằm trật tự trên những chiếc xe đẩy quen thuộc được các thầy, các vị công quả mang ra phân phát thường lệ mỗi ngày cho Phật tử và khách hành hương đến đây. Chợt lòng tôi chùng hẳn xuống và muốn rơi nước mắt. Tôi thấy dường như mọi hình ảnh thánh thiện và tốt đẹp nhất đều nằm trong đó cả, trong những giọt mồ hôi của bao người đóng góp, trong tấm lòng rộng rãi, thương yêu của những vị mạnh thường quân. Và đậm nét nhất trong nỗi nhớ của tôi là dáng dấp sư phụ dù chưa một lần được trực tiếp đảnh lễ người. Tất cả những gì hiện hữu nơi ngôi chùa Hoằng Pháp này, kể cả những gì nhỏ bé thầm lặng nhất, đều có dáng dấp của sư phụ và quý thầy. Tôi đã tìm được một cội nguồn tâm linh để theo về.

Tôi biết mình chỉ là một Phật tử tại gia với nhiều trần duyên còn vướng phải. Nhưng khi đã thật sự hiểu và có lòng tin sâu sắc, tôi sẵn sàng vượt qua, cố gắng từng ngày để mong đến được bờ chánh giác. Chợt tôi nhớ đến hai câu thơ đã từng đọc qua ở đâu đó:“Sống là động nhưng lòng luôn bất độngSống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương”

Và mỉm cười một mình, tôi cứ sống với quá khứ, với những cảm xúc buồn nhớ. Một năm tu tập công phu vừa qua coi như chẳng khiến tôi tiến bộ tí nào. Tôi vội cắt đứt dòng suy tưởng, tháo chuỗi hạt đeo tay ra và thầm niệm Phật để trở về với chánh niệm nơi tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *