Màu áo nâu sồng

Ông bạn rót thêm tách trà đẩy về phía tôi:

– Mời thêm tách nữa, trà này coi vậy mà uống được.

Im lặng chợt ông ngước mặt nhìn tôi:

– À! Chợt nhớ ra.  Hôm Phật Đản cách nay mười năm, tôi lên chùa Long Sơn dự lễ.  Lễ đường chật ních người.  Các giáo phẩm, các đạo hữu, các khuôn hội, các thầy trò trường Bồ Đề, chuông trống vang rền, ai nấy quỳ xuống.   Mà sao tôi thấy ông lẽ loi đứng chắp hai tay mắt hướng nhìn tượng Phật?

Câu hỏi gợi lên bất ngờ, một niềm xúc động trào dâng, tôi nghẹn ngào không biết trả lời thế nào.  Trí nhớ vun vút chạy lui về quá khứ.

…Năm 1954, Hiệp định Genèver, tôi đưa vợ con từ vùng kháng chiến Phú Yên về Đà Lạt quê vợ.  Năm 1956, vợ tôi yếu tim, xuống Sài Gòn chữa bệnh.  Bác Sĩ Massias khuyên đổi khí hậu, chọn một miền có gió biển hiền hòa như Nha Trang.   Đang lúng túng thì có tin Thượng Tọa Trí Nghiêm, Tổng giám thị trường Trung học Bồ Đề Nha Trang nhắn ra gắp vì trường sắp xếp cho năm học mới.

Tôi chưa quen Thượng Tọa (TT), chưa diện kiến một lần nào.  Có lẽ TT biết tôi vì hồi đó TT trụ trì ở một chùa gần làng tôi.  Nhằm thời chiến tranh, cuộc sống đơn giản nghèo khó, lại nhằm tỉnh Phú Yên nhỏ hẹp, hiền hòa nên chắc là tôi được TT lưu ý dành cho cảm tình.  Nhưng khi niên khóa mới bắt đầu thì TT được giáo hội điều ra tỉnh hội Thừa Thiên; ông Lê Bá Chẩn, Phó Tỉnh trưởng Khánh Hòa thay ông làm Tổng Giám thị trưởng.

Dạy được một năm thì vợ tôi trở bệnh, từ trần.  Bác Sĩ De Moisnat, Giám đốc phòng khám bệnh dành riêng cho Pháp kiều ở Nha Trang buồn rầu bảo tôi trong lần khám bệnh chót: “Dẫu ở Paris hay Washington thì cũng đành chịu thua”… Tôi một mình dạy học nuôi con.  Cần mẫn và khiêm tốn.  Thời kháng chiến tôi làm Hiệu Trưởng một trường Trung học khá lớn, nhưng ở đây tôi chỉ dạy lớp 6, lớp 7.  Học sinh một số lớn là con em miệt nhà quê Diên  Khánh xuống học nên tính tình dễ thương.  Có một số chú điệu cạo trọc đầu còn chừa một miếng tóc giống hình miếng tranh lợp nhà.  Y như hồi nhỏ ở nhà quê, lũ con trai chúng tôi đều được trang điểm kiểu đó.

…Tháng năm nhẫn nại trôi.  Cứ mỗi đầu năm học, tôi hồi hộp không biết năm nay nhà trường có phân phối số giờ dạy đủ cho tôi nuôi con tôi hay không.  Ban quản trị nhà trường là một tập thể đông người.  Thật khó mà giữ nguyên số giờ được phân phối, vì số giờ có thể thay tôi rất đông.  Con, cháu, dâu, rễ… của những vị có chức sắc ở Ban quản trị, ở các khuôn nội… mấy chục thầy cô giáo có tiếng ở hai trường công lập Võ Tánh và Huyền Trân. Tôi ở thế yếu rõ ràng.  Đã vậy gia đình vợ tôi lại là Công Giáo ở Đà Lạt mà nhiều người biết.  Chưa hết.  Khi vợ tôi mất, thằng con trai lên 9 tuổi tôi cho học ở trường Giu-sê Nghĩa Thục.   Y như một thách thức!  Trong khi thực tế chỉ đáng thương.

Chẳng là mẹ nó bị bệnh, nó lúc thúc chơi cạnh mẹ.   Học hết lớp Một đâu ba tháng.  Học lớp Hai chừng bốn tháng.  Đến khi mẹ chết, nhìn số tuổi phải học lớp ba.   Chỉ có trường Giu-sê Nghĩa Thục là ở gần nha, chớ học trường khác, ai đưa đón? Nhà trường có lệ phải thi nhập học.   Đề luận văn, ra: “Tả cảnh ngày Tết nơi nhà trò bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây:

1. Ngày Tết nhà trò có tổ chức gì để tưởng nhớ tổ tiên ông bà?

2. Trong bữa cỗ ngày Tết, trò thấy có gì?..”

Hồi giờ đã có học làm luận văn, toán gì đâu, nên hôm sau người thầy giáo phụ trách lớp (nguyên là học trò cũ của tôi thời chiến tranh) ghé lại tôi: – Thầy ơi, chớ thằng Hào nó làm luận cái kiểu gì như vầy, thầy?

– Nó làm sao?

– Nó ghi: Bài làm

Câu số 1: Cúng.

Câu số 2: Xào, gỏi dưa leo, thịt lụi, canh.

Tôi bậc cười, nói nhỏ: – Thôi, em liệu bào chế sao cho nó đậu cái đã. Rồi “qua” lo dạy nó sau.  Những cảnh khổ, tôi nhẫn nại chịu đựng trong im lặng.  Không ngờ có người biết, trong đó có Hòa Thượng Trí Thủ, Hòa Thượng đang là Giám đốc Phật học viện và tôi chưa có dịp gặp.  Vậy mà một hôm có người mách nhỏ với tôi:- Những khó khăn của anh, Hòa Thượng Trí Thủ biết hết.  Chuyện vợ anh là Công Giáo, chuyện con anh học trường Công Giáo, chuyện có một số Phật tử muốn chiếm chỗ dạy của anh.  Nên Hòa Thượng có dặn Thượng Tọa Đổng Minh hãy lưu ý coi trường Bồ Đề có chia giờ dạy đủ cho anh nuôi con hay không.  Tôi nghe mà xúc động rưng rưng.

Bên cạnh Hòa Thượng Trí Thủ, Trí Nghiêm, tôi còn được quen với Hòa Thượng Chí Tín trụ trì chùa Long Sơn nằm sát cạnh trường Bồ Đề.  Đứng bên gốc cây xứ hoa vàng nhìn xuống sân trường, nhìn đám học sinh ngây thơ nhảy giỡn, hay nhìn đoàn nữ sinh cầm tay nhau  chầm chậm bước trên lối đi, nhìn các thầy cô giáo nghiêm trang nề nếp… tôi nghĩ rằng thầy trò chúng tôi đã ghi những nét dễ thương nơi tâm hồn Hòa Thượng.   Rồi còn Thích Phước Sơn, Thích Minh Tuệ… Hiệu Trưởng của trường; rồi Thích…Thích… nhiều lắm, kể sao cho đủ, kể sao cho hết.  Và vậy là bao nhiêu khổ đau của cuộc đời tôi như được xoa dịu, tâm hồn tôi như được an ủi…

… Tôi chợt giật mình nhìn sang ông bạn, nhớ là mình đã lơ đãng quên trã lời câu hỏi của ông.  Tôi nhẹ mĩm cười – dấu hiệu nhận lỗi – và chầm chậm nói – cũng dấu hiệu nhận lỗi: – Tôi quỳ lạy khi cầu xin ơn phước.   Chẳng hạn xin cho một người bị bệnh, một người thân bị nạn, một người lương thiện bị tai họa.  Quỳ lại một mình.  Tôi chấp tay hướng  mắt nhìn tượng Phật để tập trung suy nghĩ về chân lý giải thoát và biểu tỏ lòng sùng kính.  Ở vào vị thế của tôi và trường hợp hôm nay… à thôi, ông bạn nghĩ một chút, ắt hiểu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *