Các tầng lớp trong xã hội ngày nay đã biết đến chùa nhiều hơn, đây là một tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo. Tuy vậy, mục đích đến chùa của từng người có sự sai biệt nhất định. Có người đến chùa để cầu xin van vái về tài lộc, sức khỏe hoặc tình duyên. Có người đến chùa để được thư giãn, thơ thới, nhẹ nhàng sau những giờ học tập và làm việc. Có người đến chùa để học Phật pháp và hành trì lời Phật dạy thông qua sự hướng dẫn của quý Tăng Ni.
Ngày nay, những nhu cầu tiện nghi vật chất lên ngôi khiến cho con người bị “lệ thuộc” vào nó, dần dần thúc đẩy đi đến sự tìm kiếm giàu sang, danh vọng, địa vị,… một cách quá độ, dẫn đến sự áp lực cho lẫn thân thể và tâm trí. Từ đó, nhiều người muốn tìm đến những chốn thiền môn thanh tịnh để cho thân thể được thoải mái, tinh thần nhẹ nhàng, thư thái. Trong khoảng thời gian ngắn ở chùa, họ tạm quên đi những ưu tư, phiền muộn của kiếp sống, thả hồn theo không gian yên tĩnh, vắng lặng của già lam, thoảng hoặc, họ có thể làm công quả phụ việc, vẫn có niềm vui từ sự cống hiến.
Thế nhưng, nói về sự thực hành thì cũng có nhiều điều cần đề cập. Một người nếu không có chút kiến thức nào về giáo lý thì sẽ rất khó để thực tập những lời Phật dạy trong kinh, dễ lầm đường lạc lối qua pháp tu ngoại đạo. Bên cạnh đó, những người có học Phật pháp một cách tương đối đi nữa, thì cũng chưa hẳn đã có sự an lạc. Vì sao? Vì nếu chỉ học suông về lí thuyết mà không mang ra thực hành, thì cũng như người bệnh cầm toa thuốc đọc nhưng không chịu uống thuốc. Như người cầm bản đồ trên tay nhưng nếu không chịu khó đi thì cũng không thể tới được điểm đến.
Thực tập trong kinh mà đức Phật từng dạy, phải dựa trên nguyên tắc tứ chính cần hay Chính tinh tiến trong Bát chính đạo, nghĩa là bốn trạng thái tinh tiến:
– Đối với các ác, bất thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn không cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.
– Đối với các ác, bất thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.
– Đối với các thiện pháp chưa sinh, khởi lên ý muốn làm cho sinh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.
– Đối với các thiện pháp đã sinh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho quên mất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng.
Chúng ta tu tập, thực hành là mỗi ngày khiến cho thiện pháp trong thân tâm ta tăng trưởng và làm sao cho các ác bất thiện pháp trong thân tâm ta giảm thiểu. Một khi ác pháp giảm đến mức không còn gì để giảm nữa thì chúng ta thành Thánh, thành Phật. Như đã đề cập ở trên, khi ở chùa thì chúng ta hạnh phúc vì tạm xa lìa thế sự, vậy khi chúng ta về nhà gặp phải những bất trắc thì làm sao giữ được hạnh phúc đó tiếp tục tồn tại? Chúng ta đọc kinh sách, nắm được các phương pháp tu tập trong tay, cũng đem ra thực hành nhưng đôi khi không mang lại kết quả. Nguyên do là rất nhiều người luôn để thiện pháp và ác pháp song song tồn tại và phát triển. Tùy theo cường độ của nghiệp mà dòng chảy của thiện hay ác sẽ mạnh và lấn lướt bên còn lại, dù cả hai đang đi cùng nhau.
Việc thực hành tu tập nên thiết thực ngay nơi sự chân thật của bản thân thì sẽ mau chóng “chuyển nghiệp”. Có đoạn kinh sau đây đức Phật dạy về “pháp thiết thực hiện tại” nhằm đem lại kết quả:
“Bà-la-môn ấy bạch Thế Tôn:
—Pháp là thiết thực hiện tại, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
—Bị tham ái làm say đắm, bị sân làm uế nhiễm, bị si làm cho mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái, sân và si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, là pháp thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.”
(Kinh Tăng Chi Bộ, chương 3 pháp, Năm mươi bài kinh kế tiếp, phẩm Bà-la-môn, Kinh vị Bà-la-môn – AN 3.53)
Chúng ta có thể lấy một ví dụ, vô tình trong lúc chúng ta đang nghe pháp, có một chuyện trái ý gì diễn ra, chẳng hạn như con cháu quên bấm nút nồi cơm điện, thì ngay đó có nổi sân không? Giả sử như sân nổi lên rồi có chuyển hóa thành từ tâm không? Khi xét kỹ, thì đây không phải chỉ đọc kinh sách không thôi là đã chứng đạo, ngộ đạo, thấy thực tánh pháp. Đức Phật chỉ cho chúng ta sự khổ để nhận biết, có nhận biết cái gì là khổ thì mới có ước mong thoát khổ. Cho nên, rốt ráo vẫn chỉ là sự khổ và đoạn tận khổ.
Vấn đề cần thấu triệt là chúng ta nên tự thân tu tập hết khả năng có thể trong mọi hoàn cảnh, trạng huống, từ chỗ yên tĩnh cho tới chỗ hoạt động. Ngay thời khắc ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh,… cũng nên gieo vào tâm thức các hạt giống thiện; có thiện thì không có ác. Khi chúng ta đọc kinh, đọc sách, ngay đó là tâm thiện thì ác sẽ không dấy khởi. Và hơn hết, khi chúng ta tiếp duyên đối cảnh, tức sáu căn tiếp xúc sáu trần, chúng ta phải lấy ra được những gì thiện lành nhất của sáu căn để tiếp xúc với cảnh. Tức là, không thể để cho tham, sân, si lộng hành. Bằng không, ta sẽ bị đánh giá là người “nói suông”, chỉ biết học mà không biết hành. Sự thực hành ấy chẳng để khoe mẽ với ai, cốt yếu chính là để tự thanh lọc và làm mới thân tâm của bản thân. Để đến một ngày nào đó, phiền não thuyên giảm thì Thánh hạnh sẽ dần hiển bày.
Tâm Cung