Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta đến một giai đoạn nào đó phải dừng lại chiêm nghiệm cuộc đời, suy ngẫm về sự thật rằng có khổ và nguồn gốc của khổ (Tứ Diệu Đế). Nếu như vô thường đến ta được có cơ hội học hỏi về vô thường:
Đừng để tới già mới học đạo
Mộ phần đầy dẫy đám thiếu niên
(Sưu tầm)
Những ai sống đến con số 60 (sáu mươi) năm trở lên, người ta nói người ấy có phước, được hưởng thọ. Trên con đường đời như một cuộc đua. Nửa hiệp đầu chạy đua với bằng cấp, quyền lực, địa vị, thành tích, lương bổng. Nửa hiệp còn lại chạy đua với huyết áp, mỡ máu, đường huyết, men gan, ung thư, v.v… Nửa hiệp đầu nghe cấp trên mà phụng mệnh (mệnh lệnh). Nửa hiệp sau vạn sự tùy duyên mà theo … số mệnh.
Trên đường đạo, nhịp sống có phần nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, song cũng quá nhiều mệt mỏi, gian nan, thử thách của chặng đường hoằng dương chính pháp để tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của đức Phật, giúp muôn loài ai cũng được an vui, hạnh phúc.
Chúng con xin phép Sư phụ (Hòa thượng Chân Tính – Đạo trưởng Tổ đình Hoằng Pháp, Tp. Hồ Chí Minh) được giãi bày cảm xúc, thành tâm tri ân sâu sắc đến ngài trước những công hạnh và đạo tình năm xưa khi có dịp tiếp cận với ngài.
Chúng con được biết ngài tịnh tu, nhập thất tại Tà Đùng, Đăk Nông là vùng sâu vùng xa, hẻo lánh của đất nước Việt Nam. Ai ai cũng kính quý Sư phụ và mong muốn đến thăm ngài.
Ngày 25/09/2022, chúng con Phật tử chùa Hoằng Pháp được sự hướng dẫn của Thầy Thích Tâm Độ không ngại đường sá xa xôi, hiểm trở, xe chúng con vượt qua 250 km, vượt qua những đoạn đường quá đẹp, thật yên bình với hai hàng cây xanh tươi, mát mẻ, ngút ngàn. Thiên nhiên hoang sơ “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, có mây nghiêng đầu núi chiều hôm, đất trời hòa nguyện hữu tình, đẹp vô ngần, thật tự hào và yêu quý quê hương Việt Nam.
Đến những đoạn đường dốc sâu, khúc khuỷu, quanh co, ngoằn ngoèo, thấy thú vị, hấp dẫn. Chúng con cảm giác như đi đến Đà Lạt, tim con đỡ hồi hộp, lo sợ hơn vì ít nguy hiểm.
Thật ấn tượng với vẻ đẹp hùng vĩ bởi những triền núi trùng trùng điệp điệp khoác những lớp áo xanh của rừng, bởi những con suối trong veo, róc rách, ta nghe suối chảy như cung đàn cầm, ngẩn ngơ trước hồ Tà Đùng tự nhiên hiền hòa, đẹp nên thơ như tranh vẽ. Phải chăng những vách núi sừng sững, uy nghi ấy biểu tượng cho sức mạnh, thách thức con người chinh phục tiến đến làm chủ thiên nhiên, làm chủ vận mệnh của mình.
Đây là vùng đất đỏ Bazan nên cuộc sống người dân làm rẫy, trồng cà phê, tiêu, cao su, cây ăn trái… rất thích hợp nhưng khá vất vả. Họ cho rằng vùng đất họ đang sống là vùng đất thánh thiêng liêng, huyền bí. Đăk Nông nằm trong vùng Tây Nguyên được gọi là “rừng thiêng nước độc” (nước độc ở đây do lấy từ các con suối trong đó bị nhiễm các độc tố của lá cây, của côn trùng, vi trùng… nên nếu uống phải đun sôi để không bị bệnh).
Trải qua 6 giờ đồng hồ, chúng con đến được ngôi nhà sàn của Sư phụ – nơi ngài ở để tịnh tâm tu hành. Ngôi nhà tâm linh – ngôi nhà hạnh phúc thật giản dị, đơn sơ như chính phong cách của ngài tiếp tục nuôi lớn tâm Bồ đề, mang hạnh phúc cho mình và tha nhân. Một tình yêu rộng lớn, cao cả.
Ngài đi tu từ năm 15 tuổi (1973) đến nay (2022) với tuổi đời là 65 tuổi, tuổi đạo là 49 năm. Trái tim của ngài cùng hòa nhập vui buồn của mọi người. Tâm nguyện của ngài là làm sao con người bớt khổ đau bằng cách lấy thân mình làm gương cho sự hy sinh cho tình yêu thương tràn ngập thế gian. Ngài mong đền đáp ơn tri ngộ với bất cứ ai, dâng hết cả tâm huyết cho đời, cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc.
Cuộc đời thật ngắn ngủi, mới ngày nào một thời oanh oanh liệt liệt, hạnh nguyện dấn thân hoằng pháp, hy sinh cho sự nghiệp lý tưởng “Trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sinh”. Giờ đây ngài đã già chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà sàn, vui với những cảnh vật thiên nhiên, hương đồng gió nội, cùng trải một chặng đường dài “tre tàn măng mọc” theo quy luật tự nhiên của cuộc đời. Một thử thách của kiếp người ví như ngọc trong đá, không mài giũa sao được gọi là kim cương? Cũng vậy, con người không thử thách, không rèn luyện, sửa đổi thân tâm, không ý chí, không bản lĩnh thì làm sao trưởng thành, làm sao thành tựu hoài bão lý tưởng của mình.
Cảm ơn Sư phụ đã cho chúng con lắng lòng nghĩ về “ngọc trong đá”, “đãi cát tìm vàng”… một quá trình chọn lọc, gạn đục khơi trong để tìm ra bậc chân tu làm tỏa sáng hai chữ Hoằng Pháp đồng thời đưa Phật pháp mãi trường tồn trong lòng mọi người qua mọi thời đại:
Du phương thắp sáng đèn chân lý
Hóa đạo nhân sinh chí xuất trần
(HT. Thích Chân Tính)
Chiều dần buông, trời vào thu lá vàng bay ngập lối xen lẫn những cơn mưa mùa hạ còn sót lại. Những bông hoa dại dung dị phủ kín những con đường đất đỏ rộng thênh thang. Chúng con chia tay Sư phụ trở về ngôi nhà Hoằng Pháp mà lòng dạt dào cảm xúc kính quý xen lẫn lo lắng chứa chan phận người. Chuyến đi đã cho chúng con những khoảnh khắc bình tâm và tỉnh thức, là hương vị cao quý của pháp bảo.
Chúng con xin được quỳ dưới chân ngài xin kính nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ đến ngài thân khỏe, tâm an, là nguồn sức mạnh, nguồn năng lượng tâm linh dồi dào lan tỏa đến đàn con luôn trông ngóng cha, chờ đợi cha trở về để được gần gũi cha như những ngày thơ dại thật ấm áp cõi lòng.
Hương hoa ngược gió không bay
Hương người giới đức tỏa bay khắp cùng
(HT. Thích Chân Tính)
Hoằng Pháp, ngày 26/09/2022
Nguyễn Thanh Thảo